Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

"Thời đại Internet: Kỹ năng toàn cầu hóa là yêu cầu bắt buộc"

dang ky ten mien | kiem tra ten mien
----------------------------------------

Education-2-1.jpg
Tính toàn cầu hóa của một trường ĐH được thể hiện qua các tiêu chí như: tỷ lệ giảng viên nước ngoài, sinh viên nước ngoài, trao đổi sinh viên đi và đến… Ảnh: M.T
Theo TS.Lê Trường Tùng, dưới tác động của Internet, kỹ năng toàn cầu hóa gồm các kỹ năng nhỏ như: ngoại ngữ, giao tiếp đa văn hóa, làm việc xuyên quốc gia… đã và đang trở thành kỹ năng bắt buộc với mỗi công dân.


Thông điệp trên vừa được TS.Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng trường Đại học FPT chia sẻ tại buổi tọa đàm chuyên đề “Education 2.0 - Internet đã, đang và sẽ thay đổi cách dạy và học như thế nào” do Đại học FPT phối hợp cùng Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) và Tạp chí Tia Sáng thuộc Bộ KH-CN tổ chức ngày 5/12/2012 tại Hà Nội. Đây là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm Internet Việt Nam tròn 15 tuổi (1997 - 2012).
Tại buổi tọa đàm, TS.Lê Trường Tùng đã khẳng định, trong 15 năm qua với việc thu hẹp khoảng cách địa lý, xóa bỏ ranh giới quốc gia, tạo sự bình đẳng cho mọi người trong việc truy cập thông tin/dịch vụ và hình thành các phương thức giao tiếp mới  - Internet nói riêng và CNTT-TT nói chung đã tạo nên những thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Theo ông Tùng, 1 trong 5 thay đổi lớn cho thấy sự tác động sâu sắc của Internet tới giáo dục chính là sự xuất hiện những đòi hỏi về tri thức, các kỹ năng mới của công dân để thích ứng với xã hội mới. “Có những tri thức, kỹ năng mà cách đây 10 hay 20 năm chưa đặt ra song đến nay với sự phát triển của Internet thì chúng lại trở thành những kỹ năng bắt buộc, quyết định thành công của  mỗi công dân, đặc biệt là với các thế hệ từ 8x trở lại. Đơn cử như kỹ năng toàn cầu hóa”, ông Tùng nói.
TS.Lê Trường Tùng cũng cho biết, với việc dạy và học kỹ năng toàn cầu hóa, có 3 vấn đề cần được giải quyết tốt, đó là: Xóa “vùng trũng” Tiếng Anh, tuyển sinh quốc tế và các trường đại học làm tốt các sứ mệnh.
Về ngoại ngữ, Hiệu trưởng ĐH FPT một lần nữa nhấn mạnh quan điểm phải đưa tiếng Anh trở thành công cụ cho mọi người có học, xóa hiệu ứng “vùng trũng tiếng Anh” của Việt Nam, đưa Việt Nam nhanh chóng trở thành 1 trong 10 quốc gia có số người nói tiếng Anh đông nhất thế giới. Đây cũng phải là một trong các sứ mệnh của trường phổ thông.
Bàn về sứ mệnh của trường ĐH, lãnh đạo ĐH FPT cũng chia sẻ quan niệm khá mới mẻ: trong thời đại Internet, sứ mệnh của trường đại học đã tăng từ 2 lên 4, không chỉ có 2 sứ mệnh cơ bản là đào tạo và nghiên cứu như 10 năm trước mà còn có thêm 2 sứ mệnh quan trọng không kém là việc làm cho người học và vấn đề quốc tế hóa, toàn cầu hóa. “Một trường ĐH tốt, có đẳng cấp là trường đào tạo tốt, nghiên cứu tốt, có việc làm cho sinh viên và tính toàn cầu hóa cao”, TS. Lê Trường Tùng nhấn mạnh.
Đối với vấn đề tuyển sinh quốc tế, lãnh đạo ĐH FPT cho hay, theo báo cáo của đại diện giáo dục Úc tại Hội nghị lãnh đạo các trường ĐH khu vực châu Á tổ chức tại Bali, (Indonesia) vào tháng 11/2012, lộ trình phát triển của vấn đề tuyển sinh quốc tế trải qua 3 giai đoạn: giai đoạn đầu tiên như là sự giúp đỡ của các nước phát triển cho các nước chậm hoặc đang phát triển; giai đoạn xem tuyển sinh quốc tế như là một hình thức thương mại, tuyển sinh viên để tăng nguồn thu và giai đoạn cao nhất, hướng tới mục tiêu cốt lõi của giáo dục là để đào tạo kỹ năng toàn cầu hóa cho sinh viên của mình thông qua môi trường sinh viên đa quốc gia và các các hoạt động chuyển dịch giảng viên, sinh viên. Ví dụ, với nước Úc, doanh thu từ việc sinh viên nước ngoài tới học ở quốc gia này đang chiếm vị trí thứ 3-4 đóng góp vào GDP; quan trọng hơn, các sinh viên Úc có cơ hội được tiếp xúc với sinh viên nước ngoài, qua đó nâng cao kỹ năng toàn cầu hóa của mình.
Education-2-2.jpg
Hiệu trường ĐH FPT nhấn mạnh: Sự phát triển của Internet đã tác động sâu sắc đến giáo dục, đặt ra yêu cầu về các tri thức, kỹ năng mới với mỗi công dân. Ảnh: M.T
Trao đổi với ICTnews, TS.Lê Trường Tùng cho biết, nhìn nhận trong mặt bằng chung của các trường ĐH tại Việt Nam, yêu cầu toàn cầu hóa, quốc tế hóa giáo dục đến nay chỉ làm được mỗi một việc là liên kết đào tạo quốc tế. Cụ thể, với nhận thức “ngoại” tốt hơn “nội”, nhiều trường ĐH đã và đang triển khai các chương trình tiên tiến, chương trình chuyển giao từ trường ĐH nước ngoài để thêm cơ hội học tập, cơ hội thụ hưởng điều kiện, chất lượng giáo dục của nước ngoài cho sinh viên trong nước.
Từ thực tế trên, lãnh đạo ĐH FPT khẳng định: “Quốc tế hóa, toàn cầu hóa đang là xu thế phát triển của các trường ĐH. Các trường ĐH muốn hay không muốn đều phải đặt mục tiêu quốc tế hóa để làm sao người học sau khi ra trường có được những tố chất cần thiết trong thời đại Internet”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét